Logo (382 × 129 px)

Tranh chấp về việc chia tài sản chung khi ly hôn​

An Nam Việt Luật

Luật sư hôn nhân gia đình

“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”; ly hôn là chuyện không ai mong muốn nhưng đôi khi lại là giải pháp tốt nhất để “giải thoát” cho nhau của nhiều cặp vợ chồng. Trong đó, việc phân chia tài sản khi ly hôn là một trong những vấn đề quan trọng, thường được các bên quan tâm khi giải quyết ly hôn; và cũng là vấn đề thường xảy ra những tranh chấp gay gắt khi vợ chồng phải ra Toà án giải quyết ly hôn.

Ly hôn văn minh, phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân cho ổn thoả, nhẹ nhàng là vấn đề mà bất cứ ai cũng mong muốn một khi đã quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân.   

Dưới đây là ý kiến của Luật sư An Nam Việt Luật về các vấn đề liên quan đến tranh chấp tài sản khi ly hôn và giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn. Nội dung bài viết được Luật sư An Nam Việt Luật đúc kết trên cơ sở tra cứu các quy định pháp luật hiện hành và tổng hợp từ thực tiễn nhiều vụ việc mà các Luật sư An Nam Việt Luật đã tư vấn hoặc trực tiếp tham gia bảo vệ thành công quyền lợi hợp pháp cho thân chủ mình.

Tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn là loại tranh chấp rất phổ biến khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, bên cạnh những vấn đề tranh chấp khác như tranh chấp quyền nuôi con, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, tranh chấp về nợ chung, …

Quy định của pháp luật về xác định như thế nào là tài sản chung, là tài sản riêng của vợ chồng có ý nghĩa quan trọng và có tính chất quyết định trong việc giải quyết tranh chấp.

Tài sản chung:

Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, được xác định bao gồm:

  • Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
  • Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng.
  • Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Và Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hướng dẫn chi tiết các quy định trên. Theo đó, “thu nhập hợp pháp khác” của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân được giải thích tại Điều 9 bao gồm:

  • Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừkhoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng;
  • Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;
  • Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP giải thích vềhoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng”, cụ thể:

  • Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của vợ, chồng;
  • Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng.

Tài sản riêng:

Tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bao gồm:

+ Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;

+ Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

+ Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định;

+ Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

+ Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định.

Những nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn

– Ưu tiên thoả thuận: Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc phân chia tài sản, tài sản chung của vợ, chồng sẽ được giải quyết theo nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Đối với tài sản riêng: Tài sản riêng của ai thì thuộc quyền sở hữu riêng của người đó.

Đối với tài sản chung: Tài sản chung được phân chia theo các nguyên tắc:

Một là, tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Hai là, phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ba là, tài sản vợ chồng được chia đôi nhưng có xem xét đến 4 yếu tố tính tỷ lệ tài được chia, bao gồm:

  1. a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng, ví dụ như: sức khỏe, khả năng lao động; nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng của vợ và chồng đối với con chung,..
  2. b) Xét đến công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Cần lưu ý rằng, vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, làm công việc nội trợ mà không đi làm cũng được tính là lao động có thu nhập.
  3. c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Đảm bảo cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.
  4. d) Lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn cũng là một trong những yếu tố được xem xét khi phân chia tài sản ly hôn.

Chia tài sản cho con khi vợ chồng ly hôn ?

Ngoài ra, thực tiễn nhiều vụ án ly hôn cho thấy, chia tài sản cho con khi vợ chồng ly hôn cũng là một trong những vấn đề được nhiều cặp vợ chồng quan tâm, tranh cãi khi họ quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân.  

Như đã trình bày, khi ly hôn, tài sản riêng không bị phân chia, còn tài sản chung được phân chia theo các nguyên tắc nêu trên.

Tài sản chung của vợ chồng được phân chia cho vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác, điều này có nghĩa, con cái không có quyền được nhận tài sản chung của cha mẹ khi cha mẹ ly hôn, hay nói các khác, người vợ hoặc người chồng không được yêu cầu người còn lại phân chia tài sản chung của vợ chồng cho con nếu người còn lại không đồng ý.

Mối quan hệ giữa cha mẹ với con sau khi ly hôn liên quan đến tài chính chính là vấn đề cấp dưỡng, không phải là chia tài sản.

Trân trọng,

Thạc sĩ, Luật sư Bùi Phúc Thạch 

Giám đốc điều hành Hãng luật An Nam Việt Luật

 

AN NAM VIET LUAT LAW FIRM

  • Điện thoại: 0832 85 39 39
  • Email: annamvietluat@gmail.com
  • Website: annamvietluat.vn
  • Văn phòng: Tầng 9 Tháp 8 Toà nhà The Sun Avenue, Số 28 Mai Chí Thọ, phường An Phú, Tp Thủ Đức, Tp. HCM.

Get free consultations.

Imperdiet posuere ligula non magna ultricies malesuada dis id