Tranh chấp đất đai là hiện tượng xã hội phổ biến và tồn tại từ lâu đời, là sự kiện pháp lý phức tạp, không dễ để giải quyết dứt điểm. Nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hình hình thái kinh tế – xã hội nào. Tính phức tạp của tranh chấp đất đai không chỉ dừng lại ở khía cạnh mâu thuẫn về lợi ích kinh tế mà còn có thể dẫn đến phát sinh các vụ án hình sự; là nguyên nhân gây bất hoà, mất tình cảm giữa cha mẹ, con cái, anh chị em ruột thịt trong gia đình, họ hàng; thậm chí nhiều vụ việc còn mang màu sắc chính trị, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
Ngày nay, khi mà các giao dịch về đất ngày càng phát triển, giá trị và lợi ích về đất ngày càng tăng lên thì những tranh chấp về đất đai càng thêm gay gắt, phức tạp hơn.
Việc thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai là một nội dung quan trọng, cực kì quan trọng và không thể thiếu của pháp luật về đất đai.
Tranh chấp đất đai là gì ? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay theo quy định pháp luật là như thế nào ?
Về vấn đề này, Luật sư An Nam Việt Luật có ý kiến giải đáp như sau:
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
(Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013)
Khi có phát sinh tranh chấp đất đai mà các bên không tự thương lượng giải quyết được, việc đầu tiên là phải nộp đơn yêu cầu hoà giải về tranh chấp đất đai đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để được hoà giải theo quy định.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
* Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
* Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
Một là, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, cụ thể:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Hai là, khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
(Điều 203 Luật Đất đai 2013)
Trân trọng,
AN NAM VIET LUAT LAW FIRM
Tầng 9, Tháp 8, Toà nhà The Sun Avenue,
Số 28 Mai Chí Thọ, phường An Phú, Tp.Thủ Đức, Tp. HCM
Điện thoại: 0982 162 877 (Zalo)
Email: annamvietluat@gmail.com
Website:https://annamvietluat.vn